BÍ QUYẾT XÂY NHÀ: HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG

0
964

Chào bạn!

Ý tưởng xây nhà hình thành từ đâu? Sau đó bạn sẽ phải triển khai như thế nào? Là một người không có nhiều kiến thức về thiết kế và xây dựng thì việc phải bắt đầu một ý tưởng xây nhà là điều quá khó khăn. Những thông tin Xây dựng Ngô Huỳnh sẽ chia sẻ dưới đây giúp cho quá trình hình thành ý tưởng trở nên logic hơn.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG TRƯỚC KHI XÂY NHÀ

Khi nói đến hình thành ý tưởng trước khi xây nhà, không ít người cho rằng đó là trách nhiệm của kiến trúc sư (KTS). Chủ nhà chỉ cần cho KTS biết về thông tin thửa đất cùng với kinh phí đầu tư xây dựng thì KTS sẽ tự tính toán và lên phương án.

          Cách làm này có thể sẽ phù hợp với một số chủ nhà không quan tâm đến sở thích riêng của mình, chỉ cần xây dựng một căn nhà phù hợp với chi phí đề ra, có kiểu dáng kiến trúc tương đối phù hợp và không bị chê xấu là được. Ngược lại, một số chủ nhà khác lại muốn căn nhà xây lên phải mang đậm nét phong cách cá nhân và sở thích của mình thì cách làm này sẽ khiến cho giai đoạn thiết kế bị kéo dài và chỉng sửa nhiều lần mới thống nhất được thiết kế sau cùng. Lý do là vì chủ nhà chưa định hình được mong muốn của mình về ngôi nhà, trong lúc không phải KTS nào cũng tìm hiểu rõ ý muốn của chủ nhà, đến khi KTS lên phương án thiết kế xong thì chủ nhà cảm thấy không ưng ý nên phải điều chỉnh. Thậm chí có chủ nhà sau khi duyệt phương án kiến trúc để KTS triển khai bản vẽ chi tiết rồi nhưng cũng chưa vừa ý nên cố gắng đi tham khảo những mẫu nhà khác. Chọn được mẫu ưng ý thì chụp hình lại rồi đưa KTS và yêu cầu KTS làm theo mẫu đã chọn. Khi đó, bản vẽ chi tiết đang triển khai mà phải điều chỉnh lại phương án kiến trúc thì gần như phải thực hiện lại từ đầu, chi phí cho phần công việc đã thực hiện sẽ do ai chịu đây? Nếu chủ nhà chịu thì sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí cho thiết kế, còn nếu KTS chịu thì đa số KTS sẽ cảm thấy không hài lòng vì rõ ràng việc lãng phí này là do chủ nhà quyết định.

chi phi xay nha 1

          Bên cạnh chuyện lãng phí công sức, việc phải vẽ lại phương án thiết kế theo yêu cầu còn làm cho KTS cảm thấy bị coi thường vì lúc này KTS giống như là người thợ vẽ, vẽ lại những gì mà chủ nhà yêu cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả của sản phẩm thiết kế cũng như mối quan hệ giữa chủ nhà với KTS. Bởi vậy mà không ít trường hợp chủ nhà thuê KTS là người thân quen thiết kế cho căn nhà của mình, sau khi thiết kế xong thì đường ai nấy đi cũng chỉ vì cách làm việc như trên.

          Do đó, ngay từ ban đầu chủ nhà phải tìm hiểu thật kỹ những ý tưởng và mong muốn của mình về căn nhà như: hình dáng, quy mô, kiểu cách… Hãy cố gắng tham khảo nhiều mẫu nhà tương tự với kích thước căn nhà sẽ xây dựng để chọn được mẫu nhà ưng ý nhất. Sau khi chủ nhà đã hiểu rõ mong muốn của mình thì hãy trình bày quan điểm ấy khi làm việc với KTS. Lúc này KTS sẽ dễ dàng nắm bắt được những mong muốn của chủ nhà để tư vấn kiểu dáng căn nhà một cách phù hợp nhất. Có như vậy thì công tác thiết kế nhà mới diễn ra thuận lợi và không phải chỉnh sửa nhiều lần.

   LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH XÂY NHÀ

        Các khoản mục chi phí xây nhà

          Có thể nói vấn đề đầu tiên mà hầu hết chủ nhà nào cũng quan tâm trước khi xây nhà chính là tiền để xây nhà. Mặc dù không nói ra nhưng chắc ai cũng biết nếu căn nhà bị phát sinh chi phí so với dự trù ban đầu thì chủ nhà sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc tìm nguồn tài chính để hoàn thành căn nhà cũng như khoản lãi phải trả do vay mượn. Chính vì thế, tốt nhất chủ nhà cần dự trù tương đối chính xác khoản chi phí cần phải chuẩn bị trước khi xây nhà. Các khoản chi phí mà đa số ai cũng biết để chuẩn bị khi xây nhà là chi phí thiết kế, chi phí xây dựng và chi phí mua sắm các vật tư hoàn thiện. Thế nhưng bấy nhiêu khoản chi phí trên thì đã đủ chưa?

          Trong trường hợp căn nhà được xây dựng trên nền đất yếu, khi đó chủ nhà phải tốn thêm khoản chi phí gia cố móng. Chi phí gia cố móng có thể dao động từ vài chục triệu đồng hoặc thậm chí đến hàng trăm triệu đồng tùy thuộc vào quy mô công trình và phương án kỹ thuật sử dụng.

          Bên cạnh đó, thông thường trong quá trình xây dựng chủ nhà sẽ có những thay đổi nhất định so với dự kiến ban đầu. Các yêu cầu này sẽ làm thay đổi chi phí đầu tư cho căn nhà. Chẳng hạn nếu chủ nhà muốn ngăn thêm phòng, làm thêm nhà tắm, hoặc chọn các loại gạch ốp lát, sơn nước đẹp hơn… thì sẽ làm phát sinh thêm một khoản chi phí như chi phí vật tư, chi phí nhân công. Nếu công tác dự trù ban đầu kỹ lưỡng và chủ nhà cam kết lựa chọn vật tư phù hợp với ngân sách đã đề ra thì các khoản chi phí phát sinh thường không đáng kể – thường ít hơn 10% chi phí xây dựng và mua sắm thiết bị. Tuy nhiên, không ít chủ nhà đến khi mua sắm các loại vật tư hoàn thiện thì quên luôn kế hoạch ngân sách của mình chỉ vì nghĩ rằng đời người xây nhà có một lần”nên cái gì cũng muốn thật đẹp, thật tốt và dĩ nhiên cũng thật mắc tiền. Đến khi xem lại thì đã hết ngân sách dự trù ban đầu trong khi vật tư hoàn thiện căn nhà vẫn chưa mua đủ, thế là thiếu hụt ngân sách thôi!

          Vì vậy để đảm bảo nguồn tài chính khi xây nhà, chủ nhà nên dành ra một khoản chi phí dự phòng khoảng 10% tổng chi phí xây dựng và mua sắm vật tư hoàn thiện, đồng thời phải tuân thủ, bám sát theo ngân sách đã đề ra cho từng khoản mục vật tư.

          Một căn nhà sau khi hoàn thành xong chưa phải là kết thúc mà nó sẽ gắn liền với cuộc sống của chủ nhà trong nhiều năm sau nữa. Trong lúc việc bảo hành công trình thường chỉ kéo dài trong vòng một năm đầu tiên kể từ khi bàn giao nhà. Nếu trường hợp sau một vài năm sử dụng, căn nhà bị hư hỏng nặng về kết cấu (như bị nứt sàn, nứt tường…) hoặc bất tiện trong quá trình sử dụng (thiết kế không tốt, không thông thoáng…), lúc đó chủ nhà phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để sửa chữa, cải tạo thì rõ ràng chi phí cho căn nhà bây giờ không chỉ là chi phí xây dựng ban đầu, mà phải cộng thêm khoản chi phí cải tạo sửa chữa. Có thể gọi đây là chi phí chất lượng của căn nhà. Ấy thế nhưng thường thì ít chủ nhà nào suy nghĩ về khoản chi phí chất lượng này mà chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư xây dựng ban đầu mà thôi.

chi phi xay nha 2

          Vậy thì chi phí xây dựng một căn nhà gồm những khoản chi phí nào?

–         Chi phí phá dỡ nhà cũ (nếu có);

–         Chi phí gia cố móng (nếu có);

–         Chi phí cấp phép xây dựng (nếu sử dụng dịch vụ);

–         Chi phí xây dựng cơ bản (xây dựng phần thô và hoàn thiện);

–         Chi phí mua sắm vật tư thiết bị;

–         Chi phí dự phòng cho các khoản phát sinh;

–         Chi phí đảm bảo chất lượng công trình (thiết kế, giám sát, bảo trì).

 Khảo sát đơn giá xây nhà

          Cách để khảo sát đơn giá các dịch vụ trước khi xây nhà tốt nhất là chủ nhà hãy trực tiếp liên hệ với các nhà thầu thi công, các công ty tư vấn trong khu vực chuẩn bị xây dựng để có đơn giá thực tế. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng có thể hỏi thăm các chủ nhà khác vừa xây nhà xong để nắm bắt được giá cả, đặc biết nếu căn nhà vừa xây lại nằm trong lân cận khu nhà chuẩn bị xây thì càng tốt.

          Trong trường hợp không có nhiều thời giản khảo sát thực tế thì mạng Internet chính là một trong những nguồn thông tin để chủ nhà có thể tham khảo giá cả dịch vụ xây dựng. Các trang website mà chủ nhà có thể tham khảo: www.google.com, www.vatgia.com… Nếu sử dụng website www.google.com, chủ nhà có thể sử dụng các từ khóa sau đây để tìm kiếm giá xây dựng: giá xây nhà, g xây dựng, đơn giá xây nhà, giá xây dựng phần thô, giá xây dựng hoàn thiện

Lưu y rằng đơn giá xây dựng thường thay đổi theo thời gian và địa điểm xây dựng nên tốt nhất là chủ nhà hãy khảo sát đơn giá dịch vụ xây dựng thực tế thông qua báo giá của các nhà thầu tại địa phương.

(Còn tiếp)

KTS Ngô Hải Long

Xây dựng Ngô Huỳnh – Cùng bạn xây tổ ấm.

Công ty Cổ Phần Tư Vấn Thiết Kế Xây Dựng NGÔ HUỲNH
LIÊN HỆ
► Văn phòng chính : 355 Bình Quới, Phường 28, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM
► Hotline : 0909.155.919 – 083.556.2071 – Kts.Long ( từ 8g- 17g)
►Email : NgoHuynhHome@gmail.com

Để lại bình luận

Please enter your comment!
Please enter your name here